CÓ PHẢI ĐỨC CHÚA TRỜI XEM MỌI TỘI LỖI LÀ NHƯ NHAU?



Chúng tôi đã rất bất ngờ khi biết rằng một người đàn ông tham gia các buổi học Kinh Thánh tại nhà của chúng tôi vùa bị bắt vì tội cưỡng hiếp.

Chúng tôi đang sống ở Ft. Leavenworth, Kansas (nơi đặt nhà tù quân sự) và ông Bob đã ra tù và kháng cáo tội hiếp dâm của mình. Ông đã thuyết phục thành công một số nhà lãnh đạo Cơ đốc giáo địa phương về sự vô tội của mình. Tuy nhiên, trong quá trình kháng cáo, Bob bị bắt lại vì đã cưỡng hiếp một người phụ nữ địa phương, ông rõ ràng là có tội nhưng lại luôn chứng minh mình trong sạch. 

Khi chúng tôi nhóm lại học Kinh Thánh sau khi ông ấy bị bắt, chúng tôi bày tỏ sự bàng hoàng và bối rối về hành vi của người đàn ông đã ngồi giữa chúng tôi một tuần trước đó. Một người phụ nữ trong nhóm của chúng tôi đã đưa ra một câu nói thường được nghe trong số những Cơ-đốc nhân đang cố gắng tỏ ra công bằng và tha thứ: “Ồ, tôi biết anh ấy đã phạm tội, nhưng khi tôi nói sau lưng anh ta thì tội của tôi cũng không khác gì anh ta cả. Thiên Chúa nhìn nhận mọi tội lỗi như nhau.”

Điều này có đúng không? Có phải mọi tội lỗi đều bình đẳng trước mắt Chúa không?

Có hai cách Đức Chúa Trời nhìn mọi tội lỗi như nhau:

1. Bất kỳ tội lỗi nào, dù nhỏ đến đâu, cũng khiến chúng ta không được lên thiên đàng nếu chúng ta không tin cậy Chúa Giê-su.

2. Bất cứ tội lỗi nào, dù to lớn đến đâu, đều được Chúa tha thứ khi chúng ta ăn năn và tin tưởng.

Nhưng không hề có sự tồn tại của sự bình đẳng trong tội lỗi.

Có bốn cách Đức Chúa Trời nhìn tội lỗi một cách khác nhau:

1. Động cơ

Trong Kinh Thánh Cựu Ước (Dân Số 15:22-31) và Kinh Thánh Tân Ước (Lu-ca 12:47-48) thì ta thấy rằng xử lý những tội lỗi được xảy ra một cách vô ý được xử nhẹ hơn những hành vi nổi loạn có chủ ý.

2. Kiến thức và cơ hội

Tội lỗi cũng bị phán xét tùy theo kiến ​​thức và cơ hội của chúng ta (Lu-ca 12:48). Thiên Chúa mong đợi nhiều hơn ở một người trưởng thành hơn là một đứa trẻ và ở một người được nuôi dưỡng và lớn lên trong môi trường tiếp xúc với sự dạy dỗ về Chúa nhiều hơn là một người mới được giới thiệu về Chúa. Trong Giăng 19:11, Chúa Giê-su nói Giu-đa (người có lợi thế khi sống với Chúa Giê-su) và các nhà lãnh đạo tôn giáo (người có lợi thế được học Lời Chúa) “đã phạm tội nặng hơn” Phi-lát là người không có lợi thế nào.

3. Vị trí và tầm ảnh hưởng

Những người ở vị trí có ảnh hưởng và lãnh đạo tôn giáo “chịu phán xét nghiêm khắc hơn” (Gia-cơ 3:1; Mác 12:40) và hình phạt đời đời của họ có thể lớn hơn (2 Phi-e-rơ 2:17; Giu-đe 1:13). 

4. Loại tội lỗi

Đức Chúa Trời cũng xem xét loại tội lỗi. Trong Cựu Ước, một số tội lỗi cần được bồi thường (Xuất Ê-díp-tô Ký 22:1) và những tội khác thì bị tử hình (Xuất Ê-díp-tô Ký 21:12). Đức Chúa Trời trừng phạt những tội lỗi như hiến tế con người và tội tình dục nặng nề hơn vì chúng gây hậu quả nghiêm trọng hơn cho cá nhân và cộng đồng (Lê-vi Ký 18:24-30). Tội lỗi tình dục, tội chống lại bất cứ ai có đức tin như con trẻ, và tội phạm đến Đức Thánh Linh được nhấn mạnh là nghiêm trọng hơn trong Tân Ước (1 Cô-rinh-tô 6:18; Ma-thi-ơ 18:6-7; Ma-thi-ơ12:31), và Chúa Giê-su nói với chúng ta rằng sự vâng phục ở một số lĩnh vực này quan trọng hơn những lĩnh vực khác (Ma-thi-ơ 23:23).

Bất cứ tội lỗi nào - dù lớn hay nhỏ - đều kết án chúng ta nếu chúng ta không tin cậy Đấng Christ. Bất cứ tội lỗi nào - dù lớn hay nhỏ - đều được tha thứ khi chúng ta tin cậy nơi Đấng Christ. Nhưng Đức Chúa Trời phán xét tội lỗi một cách khác nhau - tùy theo mức độ nghiêm trọng, ảnh hưởng và ý định của chúng - và chúng ta cũng nên như vậy.

Nguồn: Does God View All Sins the Same?




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét