Tính Cách Của Một Cơ Đốc Nhân Trưởng Thành: Hễ Làm Việc Gì, Hãy Hết Lòng Mà Làm, Như Làm Cho Chúa




Cô-lô-se 3:23-24 đề cập về tính cách của một Cơ Đốc nhân trưởng thành: 


"Hễ làm việc gì, hãy hết lòng mà làm, như làm cho Chúa, chớ không phải làm cho người ta, vì biết rằng anh em sẽ bởi Chúa mà được cơ nghiệp làm phần thưởng. Hãy hầu việc Đấng Christ, tức là Chúa.”

Đức Chúa Trời luôn ở cùng chúng ra. Ngài nhìn thấy hành động của chúng ta kể cả khi không ai nhìn thấy. Ngài biết mọi thứ về con người chúng ta, kể cả suy nghĩ lẫn hành động. 

Hãy nghĩ về sự toàn tri của Ngài trước khi làm gì đó, chúng ta sẽ cẩn thận hơn để tránh phạm tội với Đấng Christ. 

Hơn nữa, nhiệm vụ mỗi ngày của chúng ta mang một ý nghĩa mới. Bất cứ điều gì chúng ta làm, dù cho đó là công việc của một vị lãnh đạo hay việc của một người nông dân cắt cỏ, thì chúng ta đều nghiêm túc như thể Đức Chúa Trời là “ông chủ”. Điều đó có nghĩa là chúng ta cố gắng làm việc chăm chỉ hết khả năng của mình vì chúng ta đang phục vụ Đấng Christ và đó là việc quan trọng nhất. 

Hãy phục vụ Đấng Christ trong mỗi việc bạn làm, hôm nay và mỗi ngày bạn nhé. 





5 LỢI ÍCH CỦA VIỆC "LÊN HẸN" CÙNG ĐẤNG CHRIST



Đôi khi chúng ta cần một chuyến đi nghỉ dưỡng để thư giãn và phục hồi sức khỏe. Chuyến đi này thường gợi lên trong chúng hình ảnh của một khu nghỉ dưỡng trên bãi biển đầy nắng hoặc nơi ẩn náu trong cabin.


Nhưng tôi muốn đưa ra một đề nghị thiết thực hơn.


Bạn có bao giờ cân nhắc việc dành ra vài giờ để “uống cà phê” với Đức Chúa Trời  không?


Cuộc gặp gỡ này không đề nghị bạn xem như thói quen hằng ngày, mà hãy xem nó như một khoảng thời gian đặc biệt được lên kế hoạch dành riêng cho bạn và Đức Chúa Trời, cũng giống như bạn lên kế hoạch để gặp gỡ người bạn thân của mình. 


Hãy đến quán cà phê yêu thích của bạn, gọi món nước yêu thích, lấy Kinh Thánh và quyển nhật kí ra để tận hưởng thời gian tuyệt vời cùng Chúa. 


Nếu bạn có con và cần phải thuê một người giữ trẻ, hãy coi đó là số tiền chi tiêu xứng đáng (và rẻ hơn nhiều so với khu nghỉ dưỡng trên bãi biển thật).


Không ai có thể làm mới và phục hồi chúng ta tốt hơn: 


1. Đấng Cố Vấn của Chúng Ta—Giăng 14:26


2. Đấng An Ủi của chúng ta—2 Cô-rinh-tô 1:3-5


3. Bạn của chúng ta—Giăng 15:15


4. Sự Bình An của chúng ta—Giăng 14:27


5. Niềm Vui của chúng ta—Rô-ma 15:13


Tôi khuyến khích bạn lên kế hoạch hẹn hò với Chúa Giê-su ít nhất mỗi tháng một lần. :) 


Nguồn: 5 Benefits of a "Coffee Date" with Jesus


CÓ PHẢI ĐỨC CHÚA TRỜI XEM MỌI TỘI LỖI LÀ NHƯ NHAU?



Chúng tôi đã rất bất ngờ khi biết rằng một người đàn ông tham gia các buổi học Kinh Thánh tại nhà của chúng tôi vùa bị bắt vì tội cưỡng hiếp.

Chúng tôi đang sống ở Ft. Leavenworth, Kansas (nơi đặt nhà tù quân sự) và ông Bob đã ra tù và kháng cáo tội hiếp dâm của mình. Ông đã thuyết phục thành công một số nhà lãnh đạo Cơ đốc giáo địa phương về sự vô tội của mình. Tuy nhiên, trong quá trình kháng cáo, Bob bị bắt lại vì đã cưỡng hiếp một người phụ nữ địa phương, ông rõ ràng là có tội nhưng lại luôn chứng minh mình trong sạch. 

Khi chúng tôi nhóm lại học Kinh Thánh sau khi ông ấy bị bắt, chúng tôi bày tỏ sự bàng hoàng và bối rối về hành vi của người đàn ông đã ngồi giữa chúng tôi một tuần trước đó. Một người phụ nữ trong nhóm của chúng tôi đã đưa ra một câu nói thường được nghe trong số những Cơ-đốc nhân đang cố gắng tỏ ra công bằng và tha thứ: “Ồ, tôi biết anh ấy đã phạm tội, nhưng khi tôi nói sau lưng anh ta thì tội của tôi cũng không khác gì anh ta cả. Thiên Chúa nhìn nhận mọi tội lỗi như nhau.”

Điều này có đúng không? Có phải mọi tội lỗi đều bình đẳng trước mắt Chúa không?

Có hai cách Đức Chúa Trời nhìn mọi tội lỗi như nhau:

1. Bất kỳ tội lỗi nào, dù nhỏ đến đâu, cũng khiến chúng ta không được lên thiên đàng nếu chúng ta không tin cậy Chúa Giê-su.

2. Bất cứ tội lỗi nào, dù to lớn đến đâu, đều được Chúa tha thứ khi chúng ta ăn năn và tin tưởng.

Nhưng không hề có sự tồn tại của sự bình đẳng trong tội lỗi.

Có bốn cách Đức Chúa Trời nhìn tội lỗi một cách khác nhau:

1. Động cơ

Trong Kinh Thánh Cựu Ước (Dân Số 15:22-31) và Kinh Thánh Tân Ước (Lu-ca 12:47-48) thì ta thấy rằng xử lý những tội lỗi được xảy ra một cách vô ý được xử nhẹ hơn những hành vi nổi loạn có chủ ý.

2. Kiến thức và cơ hội

Tội lỗi cũng bị phán xét tùy theo kiến ​​thức và cơ hội của chúng ta (Lu-ca 12:48). Thiên Chúa mong đợi nhiều hơn ở một người trưởng thành hơn là một đứa trẻ và ở một người được nuôi dưỡng và lớn lên trong môi trường tiếp xúc với sự dạy dỗ về Chúa nhiều hơn là một người mới được giới thiệu về Chúa. Trong Giăng 19:11, Chúa Giê-su nói Giu-đa (người có lợi thế khi sống với Chúa Giê-su) và các nhà lãnh đạo tôn giáo (người có lợi thế được học Lời Chúa) “đã phạm tội nặng hơn” Phi-lát là người không có lợi thế nào.

3. Vị trí và tầm ảnh hưởng

Những người ở vị trí có ảnh hưởng và lãnh đạo tôn giáo “chịu phán xét nghiêm khắc hơn” (Gia-cơ 3:1; Mác 12:40) và hình phạt đời đời của họ có thể lớn hơn (2 Phi-e-rơ 2:17; Giu-đe 1:13). 

4. Loại tội lỗi

Đức Chúa Trời cũng xem xét loại tội lỗi. Trong Cựu Ước, một số tội lỗi cần được bồi thường (Xuất Ê-díp-tô Ký 22:1) và những tội khác thì bị tử hình (Xuất Ê-díp-tô Ký 21:12). Đức Chúa Trời trừng phạt những tội lỗi như hiến tế con người và tội tình dục nặng nề hơn vì chúng gây hậu quả nghiêm trọng hơn cho cá nhân và cộng đồng (Lê-vi Ký 18:24-30). Tội lỗi tình dục, tội chống lại bất cứ ai có đức tin như con trẻ, và tội phạm đến Đức Thánh Linh được nhấn mạnh là nghiêm trọng hơn trong Tân Ước (1 Cô-rinh-tô 6:18; Ma-thi-ơ 18:6-7; Ma-thi-ơ12:31), và Chúa Giê-su nói với chúng ta rằng sự vâng phục ở một số lĩnh vực này quan trọng hơn những lĩnh vực khác (Ma-thi-ơ 23:23).

Bất cứ tội lỗi nào - dù lớn hay nhỏ - đều kết án chúng ta nếu chúng ta không tin cậy Đấng Christ. Bất cứ tội lỗi nào - dù lớn hay nhỏ - đều được tha thứ khi chúng ta tin cậy nơi Đấng Christ. Nhưng Đức Chúa Trời phán xét tội lỗi một cách khác nhau - tùy theo mức độ nghiêm trọng, ảnh hưởng và ý định của chúng - và chúng ta cũng nên như vậy.

Nguồn: Does God View All Sins the Same?




SỰ NHẦM LẪN VỀ Ý NGHĨA THẬT CỦA ĂN NĂN TRONG KINH THÁNH


Sa-tan ngày càng làm phức tạp và làm xáo trộn sự hiểu biết của con người về sự ăn năn.

Tôi đã nghe nhiều người cho rằng sự ăn năn là điều không cần thiết để có được sự cứu rỗi vì đó là một “công việc” mà Cơ Đốc nhân thì không được cứu bởi việc làm. Và người ta cũng nói sự ăn năn là không cần thiết trong đức tin vì chúng ta đã được Chúa tha thứ rồi.

Vậy hôm nay hãy cùng tôi xem xét lại những nhận định này nhé.

Nghĩa đen của từ ăn năn trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là sự thay đổi suy nghĩ và mục đích của mỗi người. 

Sự ăn năn phải được xảy ra trước khi nhận được sự cứu rỗi.

🕂 Nhận sự cứu rỗi là khi chúng ta suy nghĩ khác đi về nhu cầu của bản thân – nhu cầu này chính là nhận ra chúng ta cần một Đấng Cứu Rỗi, một Đấng cai trị hoàn toàn tấm lòng và cuộc sống của mình.

🕂 Nhận sự cứu rỗi là khi chúng ta thay đổi suy nghĩ của mình về tội lỗi— chúng ta nhận ra rằng mình sẽ xuống địa ngục nếu không đến với Đấng Christ để nhận sự tha thứ.

🕂 Sự cứu rỗi đến từ Chúa còn giúp chúng ta thay đổi suy nghĩ của mình về lẽ thật—để chính Ngài thay ta phân định đúng sai thay vì phó thác vào con người.

🕂 Sự cứu rỗi còn liên quan đến việc thay đổi suy nghĩ của chúng ta về ý nghĩa của tình yêu đích thực—nhận ra rằng tình yêu chân chính cần có tiết hạnh, tự chủ và sự hy sinh.

Việc ăn năn không dừng lại ở sự cứu rỗi mà trở thành một lối sống cho người có đức tin thật.

Ăn năn là một điều bắt buộc để nhận được sự cứu rỗi và cũng như khi đồng đi cùng Đấng Christ (1 Giăng 1:8-10).

Vì Đức Chúa Trời yêu thương chúng ta nên Ngài quở trách và sửa phạt chúng ta. Vì yêu Ngài nên chúng ta vâng phục và ăn năn lỗi lầm:

“Hễ ai Ta thương mến, Ta răn bảo và sửa dạy. Vậy hãy sốt sắng và ăn năn.” (Khải Huyền 3:19)

Nguồn: Confusion about the Biblical Meaning of Repentance




 

NGUỒN GỐC CỦA NGÀY LỄ VALENTINE



Nhiều người tin rằng ngày lễ Valentine là một ngày của người ngoại đạo, nhưng không ai có thể chắc chắn điều này.

Có ba truyền thuyết về Thánh Valentine:

- Ông là một linh mục đã làm lễ kết hôn cho các cặp đôi dù sau khi Đế Chế La Mã ngăn cấm hôn nhân.

- Ông đã bị giết khi cố giải cứu những Cơ Đốc nhân bị giam trong ngục vì đức tin của mình

- Ông đã đem lòng yêu con gái của một người tù nhân khi đang bị giam trong ngục vì đức tin của mình.

Cũng như những ngày lễ khác, dù cho chúng ta không thể biết chính xác nguồn gốc của các ngày này, nhưng chúng ta vẫn chấp nhận và dùng nó để tôn vinh Đấng Christ cũng như tạo nên những giá trị truyền thống riêng.

Valentine là một ngày tuyệt vời để:

1. Viết cho Chúa một lá thư tình

2. Viết vào nhật kí của bạn với những sự tôn vinh tới Đấng Christ vì Ngài là Đấng yêu thương và trao đi yêu thương (1 Giăng 4:7-8)

3. Học thuộc và tĩnh nguyện hay chép bằng tay đoạn Kinh Thánh nói về tình yêu – 1 Cô-rinh-tô 13.

Dù cho Valentine có nguồn gốc thế nào, thì hãy tôn vinh Chúa và tình yêu của Ngài vào ngày này.

Nguồn: Origin of Valentine's Day



CHÚA TẠO RA TIẾNG CƯỜI

 


“Lòng vui mừng, sự hài hước và tiếng cười nên trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống thuộc linh của chúng ta. Đó là món quà đến từ Thượng Đế và giúp chúng tận hưởng những gì mà Đấng Tạo Hóa ban tặng.” – James Martin

Đôi khi chúng ta quên rằng Đức Chúa Trời tạo ra những tiếng cười.
Khi Đức Chúa Trời tạo dựng loài người, Ngài cũng trang bị cho chúng ta có cảm xúc và được trải nghiệm những niềm vui bất ngờ hay trận cười sảng khoái… đây là một cách để giải tỏa căng thẳng và tận hưởng những điều khác thường hay điên rồ trong cuộc sống.

Ngoài ra, tiếng cười còn mang lại cho chúng ta 4 lợi ích to lớn!
Tiếng cười giúp cải thiện:

- Tuần hoàn máu
- Lượng đường trong máu
- Hệ thống miễn dịch
- Giấc ngủ

Trong Châm Ngôn 17:22 Đức Chúa Trời nói với chúng ta rằng: “Lòng vui mừng vốn là một phương thuốc hay” Và Ngài có ý đó khi nói như vậy!

Hãy vui mừng và hát ca để ca tụng một Đức Chúa Trời tạo dụng nên tiếng cười cho chúng ta tận hưởng. Hãy mang một tấm lòng vui mừng để cải thiện sức khỏe tinh thần và thuộc linh của mình bạn nhé! 

Nguồn: God Created Laughter





LỢI ÍCH CỦA CỘNG ĐỒNG CƠ ĐỐC



Đức Chúa Trời thiết kế sự thông công nhóm lại trong cộng đồng Cơ Đốc vì sức khỏe thuộc linh và cảm xúc của chúng ta. 


1. Sự thông công nhóm lại giúp chúng ta có một gia đình đức tin


Ê-phê-sô 2:19 Như vậy, anh em không còn là người xa lạ hoặc là người tạm trú nữa, nhưng là người đồng hương với các thánh đồ và là thành viên trong gia đình của Đức Chúa Trời.


2. Điều này giúp chúng ta tăng trưởng đức tin và cũng có cơ hội giúp đỡ anh em mình tăng trưởng.


Ê-phê-sô 4:15-16 Nhưng Ngài muốn chúng ta nói ra sự thật trong tình yêu thương, để chúng ta được tăng trưởng trong mọi phương diện hướng đến Đấng Christ, là đầu; nhờ Ngài mà cả thân thể kết hợp và gắn chặt với nhau bởi những dây liên kết hỗ trợ. Khi mỗi phần hoạt động một cách thích hợp thì thân thể được tăng trưởng, và tự gây dựng trong tình yêu thương


3. Nhóm lại để không chỉ nhận lại sự khích lệ từ người khác mà còn trao sự khích lệ cho anh em mình.


Ga-la-ti 6:2 Hãy mang gánh nặng cho nhau; như vậy, anh em sẽ làm trọn luật pháp của Đấng Christ.


Rô-ma 12:10 Hãy yêu thương nhau thân thiết như anh em; hãy hết lòng kính nhường nhau.


Ga-la-ti 6:10 Vậy, đang lúc có cơ hội, chúng ta hãy làm điều thiện cho mọi người, nhất là cho anh em trong gia đình đức tin.


Đức Chúa Trời đặt để sự thông công giữa các tín hữu là việc có tính ưu tiên cao. Nếu bạn không là một phần của nhóm Cơ Đốc nào, tôi khuyến khích bạn hãy đi tìm kiếm để được tham gia. Nếu bạn thấy mình trong tình huống không thể kết nối trực tiếp với các Cơ Đốc nhân nào, thì hãy tìm cách nhóm lại bằng các công nghệ (ví dụ như sử dụng thư tín điện tử email, điện thoại, Skype, Facetime, Whatsapp, Signal, etc,)


Sự nhóm lại với các tín hữu khác là điều cần thiết cho sức khỏe thuộc linh và cảm xúc của chúng ta! 


Nguồn: Benefits of Christian Community